Mình Đã Luyện Viết Tiếng Anh Như Thế Nào?
Chưa bao giờ mình nghĩ mình sẽ viết tiếng Anh tốt?
Chưa bao giờ mình nghĩ mình sẽ làm trong lĩnh vực công nghệ.
Chưa bao giờ mình nghĩ 6 năm sau khi tốt nghiệp đại học, mình sẽ ngồi viết content bằng tiếng Anh.
Chưa bao giờ mình nghĩ mình sẽ trở thành một 'manager' quản lý chất lượng bài viết, đánh giá, và hướng dẫn người khác viết các nội dung bằng tiếng Anh.
Chưa bao giờ mình nghĩ mình sẽ có được một mức lương cao như người khác.
Nhưng bây giờ, mình có được những thứ này. Tiếng Anh đã giúp mình đạt được chúng.
Mình không đi học bất cứ trung tâm tiếng Anh nào cả.
Hồi mới ra trường mình có tham gia học cùng một nhóm tự học do anh trai của bạn mình dạy. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn vì cả nhóm đều học hành lởm khởm và anh ấy cũng sắp đi Mỹ nên không có thời gian để dạy bọn mình nữa.
Thế nên, để mà nói chính xác, mình hoàn toàn tự học, tự mày mò và rất may mắn, mình đã nhận được những kết quả tốt đẹp.
Vậy thì làm thế nào mà mình đã tự luyện viết tiếng Anh? Bây giờ, mình sẽ kể bạn nghe.
Sơ lược về background English Writing của mình
Mình đã từng chia sẻ với bạn về background tiếng Anh của mình vào tháng 8 năm ngoái. Hồi đó, mình vẫn đang là Technical Writer tại .
Như mình đã nói từ trước, mình không có IELTS 8.0 hay TOEFL iBT 110. Khả năng tiếng Anh của mình chủ yếu thể hiện ở những gì mình đang làm. Mình cũng quan niệm chứng chỉ chỉ là một phần rất nhỏ, điều quan trọng là sử dụng tiếng Anh như thế nào để phục vụ cho học tập, công việc và cuộc sống.
Hành trình "chính thức" học tập và theo đuổi tiếng Anh của mình đến hôm nay đã được khoảng 6 năm. "Chính thức" là bởi vì dù hồi trung học, mình cũng đạt được một số giải nhất định cho kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh (nghĩa là có chút năng khiếu đấy), nhưng đến khi lên cấp 3 và vào đại học, mình gần như bỏ bê hoàn toàn. Hầu hết thời gian mình tập trung cho các môn toán, lý, hóa để thi đại học. Vào được đại học rồi thì mình cũng không chú tâm 73;ến tiếng Anh nữa.
Mãi cho đến khi sắp ra trường, mình mới bắt đầu lục lại các tài liệu tiếng Anh, đọc các kinh nghiệm học và học tiếng Anh lại từ đầu. Lúc đấy, mình chỉ nghĩ rằng có tiếng Anh thì khả năng xin được việc sau khi ra trường sẽ tốt hơn, chứ không nghĩ là sẽ thích nó hay yêu nó như bây giờ.
Hồi ấy, chuyện học cũng rất lởm khởm. Mình học theo hứng và cố áp dụng rất nhiều kinh nghiệm từ mọi người. Thử được vài ngày không hiệu quả lại đổi sang phương pháp khác, không đâu vào đâu cả. Có giai đoạn dừng học tiếng Anh cả tháng, sau đó, lại quay trở lại như người mới bắt đầu. Nhiều lúc mình nghĩ ước gì hồi lên cấp 3 mình vẫn chịu khó học tiếng Anh thì lúc đấy, việc học không đến nỗi vất vả như vậy. Dù cũng nhìn thấy bản thân c ó tiến bộ nhưng mình biết là khá chậm.
Đến thời điểm này, kỹ năng đọc - dịch của mình mới được cải thiện nhiều, chứ English Writing thì rất kém. Mình không quá dốt ngữ pháp vì đọc nhiều cũng giúp mình học hỏi thêm và làm quen với các câu trúc hay. Tuy nhiên, mình lại cực kỳ ngại viết và cũng không biết viết như nào cho hay cả. Mình vẫn chỉ biết bắt đầu với những mẫu câu đơn giản như "I want to...", "I have to...", chứ chẳng biết viết như thế nào để có được một đoạn văn thật trau chuốt.
Mình cũng không hề luyện viết. Bởi mình không đi học ở trung tâm nào, cũng không có ai hướng dẫn cho và mình vẫn quan niệm là sẽ tự học được. Nghĩ thế nhưng mà cũng chây ì, lười biếng (nghĩ lại mình vô cùng hối tiếc).
Mọi việc lại thay đổi một lần nữa kể từ tháng 10 năm 2024, khi mình RẤT MAY MẮN được nhận vào làm ở vị trí Technical Writer tại . Đây là một công ty công nghệ chuyên sản xuất phần mềm chụp màn hình và tạo bài giảng điện tử (eLearning) cung cấp cho thị trường thế giới và làm outsourcing (thuê ngoài) cho một công ty Nhật.
Một số bài mình về Technical Writing mình đã từng viết:
Nhưng có một điều mình phải thú thực là khi được nhận vào làm ở vị trí Technical Writer, mình khủng hoảng. Hai tuần đầu tiên đi làm mình khóc rất nhiều bởi vì từ trước tới giờ mình chưa hề làm việc trực tiếp với phần mềm như thế này, chưa bao giờ viết tài liệu kiểu như vậy và cũng không biết phong cách viết Technical Writing là như thế nào. Ngày đầu tiên đi làm, có một em khác cũng nhân viên mới như mình - RẤT GIỎI. Em ấy học khoa tiếng Anh - Đại học Hà Nội, có kin h nghiệm làm việc với phần mềm, nhanh nhẹn, sáng tạo, thông minh, tiếng Anh tốt. Em ấy bắt nhịp với công việc khá nhanh, còn mình thì vẫn lẹt đẹt. Mình lo lắng không biết liệu có trụ nổi không nữa. Ngày nào đi làm về cũng khóc, cũng lo sợ bị đuổi.
Được cái mình may mắn có bạn trai (là chồng mình bây giờ) động viên, cộng thêm bản thân mình không dễ gục ngã, nên mình quyết tâm phải cố gắng hết sức. Mình cầu thị, nhờ em ấy sửa cho từng câu chữ, không giấu dốt, không sợ sai, sai chỗ nào mình sửa hết. Mình luyện viết ngày đêm và dành rất nhiều thời gian để đọc, tìm hiểu và rèn luyện. Mình cũng không sợ bị mắng, buồn quá thì khóc, khóc rồi lại vượt qua, không vấn đề gì.
Dần dần mình viết tiến bộ hơn. Mỗi lần gửi bài cho em ấy đọc hộ, em ấy cũng sửa ít hơn trước. Điều đó làm mình thấy vui và có động lực để cố gắng mỗi ngày. Thật sự, khoảng thời gian ấy là bước ngoặt cực kỳ lớn trong công việc của mình. Mình được tiếp xúc trực tiếp với tiếng Anh viết, được luyện viết theo đúng phong cách của người bản ngữ, chứ không phải là luyện viết IELTS hay TOEIC, đầy khao khát muốn chinh phục tiếng Anh viết.
Thật sự khi bạn được chạm tới nó, bạn được tiếp xúc với những thứ tuyệt vời bên ngoài thì cảm giác sung sướng cực kỳ. Bạn viết content bằng tiếng Việt hoàn toàn khác với content tiếng Anh, bởi đối tượng khách hàng hoàn toàn khác. Người nước ngoài, đặc biệt nếu độc giả của bạn là người am hiểu, có hiểu biết về lĩnh vực bạn đang làm thì mức độ kiến thức, thông tin trong bài của bạn càng phải "chất". Bạn không thể nào chỉ đơn giản đọc bà i ở các trang web khác rồi chỉnh sửa theo lời của mình thế là xong. Nếu bạn muốn có nội dung chất lượng, được độc giả thế giới đón nhận thì bạn phải làm việc cật lực và bỏ "chất xám" rất lớn.
Đó là mình còn chưa kể khi sản phẩm của bạn phục vụ thị trường nước ngoài thì công ty bạn còn có rất nhiều đối thủ bự khác nữa. Mà chắc chắn, họ là người bản địa, họ còn pro hơn bạn nhiều, thậm chí họ còn được đào tạo bài bản về Technical Writing hay Content Writing thì làm sao một người Việt có thể sánh với họ, nếu bản thân không cố gắng?
Mình đã nghĩ như vậy đấy.
Từ chỗ viết tài liệu kỹ thuật, sếp cho mình được phụ trách blog của công ty. Mình phải lên kế hoạch các bài viết, tìm hiểu xem xu hướng người dùng đang cần gì để sản xuất các nội dung phù hợp. Mọi thứ đều bằng tiếng Anh, được đọc nhiều, viết nhiều và lần này không phải chỉ là Technical Writing nữa mà là Content Writing nên mình càng háo hức.
Bật mí: Ai cũng có thể làm được.
Đọc thật nhiều sách, nội dung bằng tiếng Anh
Mình khởi đầu việc học viết bằng cách đọc. Và mình rất thích đọc.
Phải nói thật, mình đọc rất, rất nhiều. Nếu bạn không đọc thì tiếng Anh viết của bạn khó mà tốt lên.
Khi đọc nhiều, bạn sẽ quen với cách hành văn, cách sử dụng từ, cách ngắt xuống dòng... của người bản địa. Một ngày, hai ngày có thể chưa cảm nhận được nhưng làm như vậy vài tháng, thậm chí cả năm thì chắc chắn là mưa dầm thấm lâu, bạn sẽ ghi nhớ.
Có người bảo, những bài viết này đơn giản quá, hiểu hết rồi, phải đọc những trang lớn như NatGeo hay BBC thì nó mới đúng tiếng Anh thật. Bạn hiểu hết thì tốt, nhưng hãy đặt lại câu hỏi, bạn có viết được như vậy không? Viết phức tạp, dài dòng thì không khó đâu, viết ngắn gọn, đơn giản mà bất cứ ai, dù giọng Anh - Anh, Anh - Mỹ, Anh - Ấn, 'Anh - Việt' hay một đứa trẻ 10 tuổi (thậm chí 5 tuổi) vẫn có thể hiểu được thì đó mới là sự khác biệt. Đừng c 889; gắng viết quá màu mè, nghĩ quá cao siêu, cứ luyện tập những cái đơn giản trước đã. Còn nếu khả năng của bạn đã tốt hơn rất nhiều rồi thì mình rất mừng cho bạn, bạn cứ thoải mái cải thiện thêm nữa.
Làm gì khi đọc?
Đọc nhiều nhưng không biết cách đọc thì cũng không tốt. Nếu bạn mới chập chững rèn luyện việc đọc, viết tiếng Anh thì hãy bắt đầu với những bài đơn giản, câu từ không quá phức tạp. Khi đọc, đừng quá chú trọng vào việc phải hiểu hết nội dung tác giả muốn truyền đạt. Thay vì vậy, cứ bình tĩnh mà đọc, tập đoán nghĩa, đoán nội dung, và nếu 'bí' quá thì mới tra từ điển. Nếu gặp cụm từ nào hay, cảm thấy có ích thì hãy lưu lại, có thể ghi ché ;p vào sổ hoặc lưu vào các ứng dụng ghi chú.
Đừng nghĩ chép lại hay ghi chú lại thì "chẳng bao giờ dùng" hay "chẳng bao giờ đọc lại" hoặc "làm mãi rồi mà không thấy có ích". Không ai biết trước được tương lai, và những gì tốt bạn làm hôm nay thì ngày mai đều có thể gặt quả. Từ đó hoặc các ghi chép đó có thể có ích cho bạn sau này.
Mình biết vì mình đã trải qua.
Đọc... để học ngữ pháp
Quá nhiều người nói với mình câu này "Em không biết ngữ pháp, làm sao em viết được", hay "Em thích viết lắm, nhưng làm thế nào để em giỏi ngữ pháp hả chị? Có ngữ pháp thì mới viết được ấy".
Đúng, bạn cần có ngữ pháp thì mới viết được tốt. Đặc biệt nếu đối tượng độc giả của bạn là người nước ngoài thì bạn càng cần phải giỏi ngữ pháp.
Nhưng, khi bắt đầu học viết, mình cũng như các bạn: không mạnh về ngữ pháp. Mình nói thật đấy. Cái mình biết chỉ là những kiến thức ngữ pháp cơ bản như các thì, tạo câu làm sao, viết câu bị động như thế nào, so sánh đơn giản rồi câu gián tiếp - trực tiếp.
Vậy thì làm sao mình có thể cải thiện viết?
Câu trả lời lại quay về với việc đọc. Vì đọc nhiều nên mình quen dần với cách viết tiếng Anh. Mình để ý cách tác giả dùng từ như nào, nối câu, viết câu, chuyển ý làm sao, gặp cấu trúc nào chưa hiểu thì mình tra trở lại trên Google.
Chẳng hạn, gần đây mình có đọc một bài viết trên Ahrefs Blog và có cụm từ 'torn our own horn' mình chưa biết nghĩa:
Mình vừa đọc vừa học ngữ pháp, chứ không học ngữ pháp một cách thụ động như việc mở cuốn sách Grammar in Use để rồi ngồi làm bài tập, đọc chay những kiến thức trong đó.
Đừng hiểu lầm ý của mình. Những cuốn sách đó rất tốt, làm bài tập ngữ pháp cũng tốt. Nhưng nếu bạn chỉ làm vì mục đích học thụ động, giống như làm bài tập về nhà ở lớp mà không hiểu được cách sử dụng những cấu trúc đó trong văn viết thực tế ra làm sao thì những cái bạn học như vậy cũng dễ quên lắm. Chưa kể, bạn cũng chẳng tìm thấy niềm vui trong việc mỗi ngày đều liên tục học theo sách như vậy.
Không gì tuyệt vời hơn nếu bạn tự đẩy bản thân mình vào thế giới tiếng Anh thực và mò mẫm học trong nó. Việc học phải vui, phải gắn liền với mối quan tâm của bạn thì nó mới có hiệu quả. Đừng ép bản thân.
Viết thật nhiều
Nếu chỉ đọc, chỉ ghi chép lại các mẫu câu hay thôi thì chưa đủ. Muốn viết được, bạn cần phải luyện viết.
Hãy bắt đầu với sự đơn giản. 'I will....', 'I want...'. Đừng nghĩ là bản thân chỉ viết được những câu như thế này. Không ai giỏi mà không bắt đầu từ những bước nhỏ nhất, trừ khi bạn là thiên tài bẩm sinh thì mình không nói.
Viết đến đây, mình lại nhớ một câu chuyện khác. Có bạn bảo mình 'tớ không biết mình thích công việc gì cả', 'tớ không biết mình có làm được công việc đó không?'. Mình thấy lạ. Các bạn đang ở nhà, không đi làm gì cả. Khi khuyên bảo đi làm thì lại đặt câu hỏi không biết thích gì nên không biết sẽ làm ở đâu, nộp hồ sơ vào đâu. Thực sự nếu bạn muốn biết bạn có làm được không hay làm được việc gì thì phải bắt tay vào làm, không thể ngồi mãi một chỗ rồi kêu ca được. Bạn phải 'dấn thân' thôi!
Cũng vậy, bạn đừng sợ bạn không viết được. Cứ bắt đầu từ những câu đơn giản. Đặt ra kế hoạch mỗi ngày viết được 3 câu, 5 câu, 2 đoạn, 3 đoạn, 50 từ, 100 từ... và cố gắng thực hiện. Cứ kiên trì vài tháng rồi bạn sẽ thấy mình thay đổi.
Mình đã từng đặt ra kế hoạch mỗi ngày viết được 500 từ, sau đó tăng dần lên 750 từ. Mình cố gắng thực hiện nó không nghỉ ngày nào. Đây là một đoạn mình đã viết cách đây 2 năm - bạn sẽ thấy câu từ không có gì phức tạp, mình cứ viết theo những gì mình nghĩ thôi.
Sử dụng các công cụ luyện viết
Ngày trước mình không dùng công cụ luyện viết. Một phần vì không biết, một phần khác vì mình cũng không có tiền để mua. Sau đó một thời gian, mình biết đến Grammarly và Hemingway App Editor - hai công cụ mà đã giúp kỹ năng viết tiếng Anh của mình tốt lên rõ nét.
Chính vì thế, đầu năm nay mình đã quyết định đầu tư mua bản Premium của Grammarly. Mình học được vô cùng nhiều trong cách làm cho bài viết của mình tốt hơn, câu từ dùng sắc bén hơn và cũng phát hiện được những lỗi mà bản thân mình tự kiểm tra nhiều khi không thấy được.
Nếu bạn có thể đầu tư, mình khuyên bạn hãy sẵn sàng đầu tư. Bạn hoàn toàn có thể tự luyện viết được nhờ những công cụ đó.
Kiên trì và phải thật... chăm
Ngoài may mắn, mình biết mình đã rất cố gắng và cần phải cố gắng hơn nữa.
Nếu bạn muốn tự học tiếng Anh để tiết kiệm thời gian và tiền bạc, đồng thời muốn sau một thời gian có thể viết tiếng Anh thật hay thì bạn phải cực kỳ chăm chỉ, kiên trì và kỉ luật.
Nếu không thể làm được ba điều này, mình không dám chắc bạn sẽ thay đổi được tình trạng hiện tại.
Bạn sẽ phải đọc rất nhiều, luyện viết rất nhiều, mỗi một ngày bạn đều phải lặp đi lặp lại nó. Không nhất thiết mỗi ngày đều phải viết một bài, nhưng chắc chắn, bạn phải đọc liên tục. Đừng để tiếng Anh rời xa bạn. Phải để bạn được gần nó, tiếp xúc với nó như thể nó là vật bất ly thân. Làm hoài, làm mãi, bạn sẽ thay đổi.
Đừng sợ đọc rồi quên ngay. Đừng sợ không thể nhớ được từ vựng. Tiếng Anh chứ không phải tiếng mẹ đẻ của chúng ta để mà mong chỉ cần đọc vài lần là đã nhớ. Phải kiên trì, nhẫn nại và có niềm tin bạn sẽ làm được thì rồi bạn sẽ thấy mình làm được.
Mình thực sự khuyên bạn như vậy.
Bài viết này đã quá dài có lẽ mình nên dừng lại. Còn nhiều điều muốn viết cho bạn nữa nhưng nếu quá nhiều sẽ khiến bạn không nhớ được hết. Thế nên, hẹn bạn trong các bài viết sau mình sẽ chia sẻ nhiều hơn.
Lời khuyên cuối cùng của mình đó là bạn cứ cố gắng lên rồi sẽ viết được. Đừng sợ gì cả. Mình cũng như bạn thôi nhưng mình đã có kết quả ban đầu rồi, bạn cũng sẽ làm được.